H.T. THIỆN HUÊ

Lưu Lại Viên Xá Lợi

HOA SEN 8 CÁNH


ImageĐây là bộ y phục hàng ngày của H.T. Thiện Huê. Lúc nào Ngài cũng mặc chiếc áo vải mùng xin từ đám tang về nhuộm lại màu vàng để làm  y phục che thân.
Hòa Thượng rất giản dị, Ngài chỉ luôn an trú trong
Hồng danh A Mi Đà Phật với mục đích đạt được sự giải thoát.
(Hình này H.T. chụp năm 1997 tại Tổ Đình Niệm Phật – Bình Dương.
Phía sau là sông Sài Gòn chảy ngang qua cổng chùa)

Dưới đây là lá thư của Hải Trí
gởi cư sĩ Tịnh Hải từ Việtnam :

Nhân và Duyên đưa con đến chùa

“Niệm Phật”của Hòa Thượng Thiện Huê

                       Bình Dương, ngày 29 tháng 5 năm 2004 

         Kính gởi: ông Tịnh Hải 


        Đầu thư, con kính thăm sức khỏe của ông. Sau khi con lấy tài liệu về Sư Bà Giác Nhẫn để gởi cho ông đăng sách, con nghĩ rằng mình phải tìm xem vị xuất gia nào thực hành pháp môn niệm Phật được vãng sanh và lưu xá lợi tại tỉnh Bình Dương nơi con đang ở không?      

      Nhưng con chỉ nghĩ vậy thôi chứ con còn nhỏ như vậy thì đi đến chùa nào mà người ta chịu cung cấp tài liệu cho con và có chắc rằng ở Bình Dương có vị vãng sanh lưu xá lợi không?  


                    Nhưng những lời con mong ước như có lẽ được chư Phật cảm ứng nên vào một buổi chiều nọ, trên đường con đi học về, con cứ nghĩ về chuyện tìm vị vãng sanh tại Bình Dương và vừa chạy xe vừa nghĩ nên bị lạc đường và chạy riết vào con đường đất đỏ rất vắng người, cạnh bờ sông Sài Gòn thuộc xã An Sơn - huyện Thuận An và dường như có ai đó xui khiến con chạy hoài, chạy hoài, và cuối cùng chạy cuối đường sát bờ sông thì một cảnh chùa uy nghi tráng lệ hiện ra trước con, chùa này mang tên là “Niệm Phật”.  

     Khi mới thấy tên chùa là “Niệm Phật” vì sẵn đang ý nghĩ tìm vị vãng sanh lưu xá lợi nên con liền vào chùa không một chút do dự. Con gặp được vị Quản tự sau một hồi hầu chuyện cùng vị ấy, con được biết vị trụ trì ngôi chùa này đã vãng sanh và lưu lại vô số xá lợi. Lúc đó con rất mừng vì chư Phật, chư Bồ tát , Hộ pháp long thần đã cảm ứng và phù hộ lời ước nguyện của con. 

     Sau đó, vị Quản tự đưa cho con quyển kỷ yếu của Hòa thượng, con liền mở ra xem và càng vui mừng hơn, Hòa thượng là một vị hành giả xiển dương Tịnh độ tông thời hiện đại mà đặc biệt là Pháp môn niệm Phật. Con liền gởi email báo cho ông để ông viết sách, đem bằng chứng vãng sanh và xá lợi để mọi người cùng phát tâm niệm Phật . Sau nhiều lần liên lạc ông đã chỉ dạy hướng dẫn cho con viết bài do chính con thu thập. 

      Con rất vui mừng và xúc động vì lời ước của con hôm nay thành hiện thực. Ngày nay chính con viết về một vị vãng sanh để đưa ra đại chúng, cho mọi người thấy sự nhiệm mầu của Pháp môn niệm Phật.

      Con xin cảm tạ ông Tịnh Hải, nhờ ông chỉ dạy và hướng dẫn cách tìm hiểu và thu thập tài liệu về một vị vãng sanh nên hôm nay con có thể viết bài này và nhiều bài về các vị vãng sanh lưu xá lợi trong quyển sách này. Ông đã tạo cho con một nền tảng  tương lai về sau.  

 on xin cảm tạ anh Bá Trúc - đệ tử tại gia của Hòa thượng Thích Thiện Huê, đã giúp đỡ con rất nhiều trong việc cung cấp tài liệu quan trọng chi tiết và hình ảnh xá lợi của Hòa Thượng .
 

Cuối thư, con kính chúc ông thân tâm an lạc và vạn sự kiết tường.                    
     Cháu Hải Trí
- - - - - - - - - -  

H.T. Thích Thiện Huê
lưu lại Xá Lợi Hoa Sen 8 cánh  

   
Mọi người khắp nơi đều tôn xưng Hòa Thượng bằng cái tên vừa bình dân vừa chất phác, chứa đựng sự cảm phục biết ơn sâu sắc là “Thầy Niệm Phật”, tức Thầy độ chúng sanh bằng Pháp môn Niệm Phật. Đó chính là : Hòa Thượng Thích Thiện Huê. 

   Image
   
       Hòa thượng Thích Thiện Huê, thế danh Nguyễn Văn Lăng. Ngài sinh năm 1923 tại tỉnh Bình Dương. Thân phụ là một địa chủ địa phương, thân sinh của Ngài từ trẻ đã thờ kính Tam bảo.
     
        Từ nhỏ, Ngài được gần gũi với Tam Bảo nên hạt giống Bồ Đề nứt rể vì vậy năm 12 tuổi, Ngài đã xuất gia cầu đạo với Cố Hòa Thượng Thượng Giác hạ Ngọc tại núi Điện Bà Tây Ninh. Năm 19 tuổi, Hòa Thượng thọ Sa di giới. 

        Năm 20 tuổi, Ngài hạ sơn để đi cầu học giáo pháp từ Trung vào Nam và cuối cùng chọn Hòa Thượng Thích Trí Tịnh làm Thầy y chỉ sư và chính thức học Pháp môn niệm Phật. Với kiến thức Phật học và sự tu hành tinh tấn nên Hòa Thượng Thiện Huê đã sớm thâm nhập Pháp môn Tịnh độ.   

Ngài chuyên tâm niệm hồng danh A Di Đà theo lời dạy của Hòa Thượng Trí Tịnh vì vậy về sau có một số vị không hiểu, cho Ngài là lập dị, vì muốn khác người. Nhưng Ngài vẫn hoan hỷ và xem đó như là một nghiệp chướng mình đã làm ở đời trước. 

Để nói lên hạnh nguyện tu hành của Ngài -Người chuyên tâm tu niệm Pháp môn trì danh niệm Phật nên Hòa Thượng Trí Tịnh đã đặt tên chùa “Niệm Phật” ở Bình Dương.Tại nơi đây, Hòa Thượng đã cảm hóa được nhiều người quy y Tam Bảo.  

Năm 1957, Hòa Thượng khởi công xây cất Liên Trì Tịnh Xá ở núi Thị Vải để truyền bá pháp môn niệm Phật. Vào ngày mùng 6 tháng 8 hàng năm, chư Tôn Đức và Phật tử cư sĩ đã tựu hội về ngôi chùa này để tham gia khoá tu Phật thất.

Vào những năm này, phong trào Phật thất không bằng như hôm nay nhưng Hòa Thượng đã tổ chức được Phật thất thật là đáng quý.  

Năm 1964, Hòa Thượng về trụ trì chùa Đại Giác theo lời tha thiết thỉnh cầu của Hội Phật tử Bắc Việt. Trên đất Sài Gòn, Hòa Thượng tiếp tục hoằng pháp lợi sanh bằng pháp môn trì danh niệm Phật.

Hòa Thượng có cuộc sống hết sức giản dị, lúc nào Ngài cũng mặc chiếc áo vải mùng để che thân. Những thứ vật chất phồn hoa, Ngài có thể có nhưng  Ngài chỉ cần tâm Bồ Tát. Hòa Thượng phát tâm trọn đời chỉ thọ Sa di giới-Bồ tát nhưng sau nhiều lần được khuyên bảo, Hòa Thượng đã thọ Tỳ kheo giới với Hòa thượng Thích Trí Tịnh.  

         Vì phát tâm Bồ tát, Hòa Thượng đã truyền bá rộng rãi pháp môn trì danh niệm Phật A Di Đà để giúp chúng sanh lại gần hơn với đức Từ Phụ A Di Đà và nói xa hơn là giúp chúng sanh sang bờ giải thoát để hóa sanh trong ao sen bảy báu của Tây Phương Cực Lạc. Tiếp tục hạnh nguyện của mình, năm 1968, Hòa thượng khai sơn và khởi công xây cất Niết Bàn Tịnh Xá – Vũng Tàu. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh của Việt Nam.  

Sau năm 1975, Ngài vẫn mang tâm từ bi và hạnh Bồ Tát tiếp tục sự nghiệp độ sanh, an lạc và giải thoát cho đời bằng pháp môn niệm Phật vãng sanh. 

Và 10 năm sau (1985) , nghịch duyên đến với Hòa Thượng, Ngài bị cấm túc tại chùa Thiên Long - huyện Bến Cát - Tỉnh Bình Dương ngày nay, nhưng Ngài vẫn an nhiên và tiếp tục hành trì pháp môn của mình. Ngài nói rằng trong nghịch duyên này cũng có duyên may là trong suốt thời gian này, Hòa Thượng chuyên tâm niệm Phật không vướng bận Phật sự trong vòng 6 năm.  

Ngài vẫn hoan hỷ không một chút than phiền và nói với đệ tử rằng đây là chướng duyên và nghịch duyên này cũng là thiện tri thức của Thầy.  

Ví như Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) là em cô cậu của Đức Phật nhiều phen rắp tâm hại Phật như thuê người hành thích, lăn đá đè, cho voi dữ tấn công đức Phật nhưng Đức Phật vẫn không oán trách, không một tâm niệm thù hằn. Ngược lại, Đức Phật thường bảo với các đệ tử rằng : “Đề Bà Đạt Đa là tăng thượng duyên cho ta, Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức của ta”.  

Dù thân tứ đại yếu dần theo thời gian nhưng Hòa Thượng chưa bao giờ bỏ thời khóa niệm Phật của riêng mình. Mỗi ngày Hòa Thượng lần từ vài trăm tràng hạt trở lên.

Vì tâm nguyện giải thoát nên Hòa Thượng đã dùng nhiều phương tiện để cho đệ tử tu tập pháp môn niệm Phật nên Ngài buộc đại chúng phải niệm Phật từ 10 tràng hạt trở lên. Thời gian sau, Hòa Thượng cư trú tại Chùa Đại Giác cho đến ngày viên tịch.Hòa Thượng đã soạn ra quyển “Nghi thức Tịnh Độ” được ấn tống năm 1974 và ngày nay nhiều Phật tử vẫn thọ trì.

Hòa thượng lâm bệnh
xơ gan thời kỳ cuối 
 
 Hòa Thượng bị bệnh gan đã đến thời kỳ cuối nhưng không có biểu hiện gì. Lúc này là trước tết Nhâm Ngọ - 2002. Bác sĩ nói rằng Ngài sẽ không còn sống được bao lâu, tối đa là 3 tháng tức là đến tháng 3 Â.L nhưng đến tháng 7 Â.L Ngài mới vãng sanh. Đây là điều làm các bác sĩ phải ngạc nhiên. Dù biết bệnh và không còn sống bao lâu nữa nhưng Ngài vẫn an nhiên niệm Phật .  

 Những điều lạ trước vãng sanh
và những lời khuyên dạy cuối cùng 

 Ngày mùng 10 tháng 7 năm Nhâm Ngọ , Ngài nằm bệnh viện Nguyễn Trãi và xin Bác sĩ về chùa vì ngày 12 tháng 7 Â.L là đám giỗ của cụ bà thân mẫu và Hòa Thượng nói rằng: “Bệnh tôi, tôi đã biết rồi, con người thuận theo thế sự vô thường thì có ai mà tránh khỏi việc sống chết, nhưng quan trọng là thấu hiểu việc ấy”.

Vì thế Ngài về chùa Đại Giác nghỉ ngơi, bệnh tình càng trầm trọng nhưng ngày 11/7 Â.L Ngài đích thân đi chợ mua thực phẩm để chuẩn bị đám cho cụ Bà thân mẫu của Ngài. 

 Ngày 12/7 Â.L, đích thân Ngài xuống bếp nấu thức ăn để cúng giỗ.

 Ngày 15/7 Â.L, tức dịp lễ Vu Lan năm Nhâm Ngọ, tuy cơn bệnh hoành hành nhưng Ngài vẫn an nhiên lên chánh điện cử hành làm lễ Vu Lan. Sau khi tụng kinh xong, Ngài đã căn dặn với đại chúng là phải giữ gìn Tổ ấn Tông phong để không phụ lòng những người đã dày công dạy dỗ.

Lúc đó có nhiều người khóc dưới chân Hòa Thượng, Ngài đã ôn tồn dạy họ hiểu rõ vấn đề sinh tử, xem cái chết như sự đi về, không nên buồn đau. Và đây là lần cuối cùng Ngài dặn dò và cũng là lần cuối cùng Ngài nói với đại chúng.
Thời khắc lâm chung và
những điềm lành !!!

Rạng sáng ngày 24/7 Â.L , Ngài đã yếu dần và đại chúng thấy vậy nên vào phòng Ngài để tụng kinh Phổ môn Cầu an nhưng Ngài nói rằng :”Sống chết là chuyện tất nhiên, chỗ này nhơ uế không phải chổ đọc kinh” .

Tuy bệnh hoạn hành hạ nhưng sức chịu đựng và nhẩn nhục của Ngài khiến ai cũng phải kính nể, Ngài không rên không là tiếng nào mà chỉ niệm hồng danh A Di Đà Phật. Ngài đã lớn tuổi vì thế có nhiều nếp nhăn ở mắt nhưng lúc này mắt Ngài rất sáng long lanh và nhìn về một nơi xa xăm, rất vui vẻ như Ngài nhìn một cảnh gì đó đẹp đẽ và trang nghiêm lắm.

Lúc này, thân tứ đại đang phân rã nhưng Ngài không có một chút đau đớn mà nhiếp tâm niệm Phật theo lời niệm của đại chúng.

Trong lúc đại chúng trợ niệm Ngài vẫn tỉnh táo không mê, mắt mở sáng rực và vào lúc 19 giờ 55 phút ngày 24/7 Â.L , Hòa thượng đã trút hơi thở cuối cùng một cách nhẹ nhàng và sắc diện của Ngài hoàn toàn tươi đẹp như người đang ngủ. Lúc lâm bệnh, hai gò má hóp vào nhưng lúc mới tắt thở, hai gò má từ từ căng đầy thịt, những nếp nhăn đã biến mất.  

Nhục thân của Ngài để từ tối 24/7 Â.L đến sáng 25/7 Â.L mới nhập kim quan là qua 8 tiếng nhưng thân thể của Ngài vẫn mềm mại, hồng hào và khuôn mặt tròn trịa lạ thường và điều đặc biệt là từ khi cơ thể yếu dần cho đến lúc lâm chung Ngài không rơi vào trạng thái hôn mê mà mở mắt long lanh cho đến khi nhắm mắt theo Phật, an nhiên niệm hồng danh A Di Đà mà vãng sanh.

 Hòa Thượng sẽ trở lại
Ta bà cứu độ chúng sanh   

Sau khi Hòa thượng lâm chung thì xuất hiện những điềm lành như đã nói trên và đặc biệt hơn nữa là lúc tẩn liệm để nhập kim quan thì đệ tử của Ngài thấy một điều lạ thường là ngực vẫn còn hơn ấm và hơi ấm này rất khác lạ với hơi ấm bình thường.

Điều này chẳng có gì đáng lạ vì suốt cuộc đời của Ngài chỉ thực hiện theo hạnh nguyện Bồ tát.   Trong suốt cuộc đời tu hành, hòa thượng không giữ chức vụ bởi quan niệm của Ngài quan trọng nhất là  phụng sự Tam Bảo chứ không màng chức tước danh vọng. Ngài sẽ trở lại nơi cõi Ta bà này để tiếp tục thực hiện những hạnh nguyện của mình đưa chúng sanh sang bến bờ giải thoát.

Những điều lạ lúc lựa Xá lợi

Sau lễ  trà tỳ tại đài hỏa táng Bình Hưng Hòa, di cốt của Ngài được cung nghinh về chùa Đại Giác lúc 1 giờ trưa ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Ngọ.

Lúc lựa xá lợi của Ngài có điềm lạ là đúng ra việc lựa xá lợi kết thúc lúc 2 giờ 30 phút trưa nhưng cũng giờ này Sư cô Huệ Hoa - ngủ trưa vì mệt. Trong lúc ngủ, Sư cô nghe văng vẳng bên tai  “Bây giờ là giờ ngủ hả” và Sư cô liền chạy lên chùa tiếp tục lựa xá lợi, trong lúc chờ đợi lấy hũ đựng cốt về.

 Đây là một điều lạ có lẽ đây là lời báo của Long thần Hộ pháp báo cho Sư cô để tìm lại xá lợi. Vì trước khi Sư cô Huệ Hoa được báo mộng thì việc tìm kiếm xá lợi của Hòa thượng được xem như là kết thúc.  

Nhưng, sau khi Sư cô Huệ Hoa được báo mộng thì việc tìm kiếm xá lợi bắt đầu lại và từ 2 giờ 30 trưa đến hơn 9 giờ tối.  

Ngoài số xá lợi đã được kiếm thì đặc biệt có viên Xá lợi hình Hoa sen 8 cánh, mỗi cánh thật đều nhau, cỡ bằng ngón tay cái, màu trắng như hoa tuyết rất đẹp.

Trên mỗi cánh hoa sen là chữ Tam (theo chữ Trung Hoa là 3 gạch) , ý nghĩa là Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng . Nhìn viên xá lợi hình hoa sen trắng, nhớ lại lúc sanh tiền Hòa thượng tự lấy hiệu là Bạch Liên.

Thầm nghĩ Bạch Liên thưở sanh tiền với viên Xá lợi hình hoa sen bây giờ chứng tỏ rằng đây là điều kỳ diệu trong cuộc đời tu hành của Ngài.
 
“Hoa Sen Xá Lợi” có 8 cánh đều nhau, có đài sen, đế sen thật rõ ràng. Trên mỗi cánh sen là chữ TAM (Chữ Trung Hoa là 3 gạch), ý nghĩa là TAM BẢO: Phật – Pháp - Tăng  

Và đặc biệt hơn nữa là chiếc vòng bằng bạc có khắc chú Chuẩn Đề của Hòa thượng đeo hàng ngày sau khi thiêu vẫn còn nguyên vẹn không móp méo. Xin được nói thêm vì trước khi tẩn liệm để nhập kim quan, đệ tử của Hòa thượng có dùng kềm cắt vòng nhưng rất cứng, đành để vậy mà liệm. Cái khóa y của Ngài vẫn còn. Một chiếc vòng ngà bị bể ra làm 3 khúc nhưng nối lại vẫn còn nguyên vẹn